Review Top 10 đồ chơi tốt nhất cho bé
So với tuổi thơ của ba mẹ, các bé hiện nay có rất nhiều đồ chơi đa dạng, dễ tìm, giá thành lại phù hợp với mọi túi tiền. Nhưng chắc các ba mẹ cũng biết, nếu mua đồ chơi vô tội vạ, bất cứ mọi lúc mọi nơi sẽ tập hư các con với thói quen vòi vĩnh, cả thèm chóng chán, hạn chế sự sáng tạo của trẻ và biến ngôi nhà chúng ta thành một bãi bừa bộn. Với các mẹ muốn hạn chế tối thiểu số lượng đồ chơi và kích thích tối đa sự sáng tạo của các con, mình xin chia sẻ top 10 món đồ chơi yêu thích của 2 bé nhà mình qua năm tháng.
Mình xin chú thích thêm là mình luôn tin thiên nhiên chính là "món đồ chơi" tốt nhất, không gì có thể sánh bằng, phát triển các loại trí thông minh khác nhau của bé. Âm nhạc từ thiên nhiên chính là bản nhạc hay nhất. Bức tranh thiên nhiên nhìn trực tiếp bằng mắt luôn là bức tranh đẹp nhất. Giao tiếp với thiên nhiên chính là hình thức giao tiếp tinh tế nhất.
Hãy cho bé được về quê nhìn ngắm đồng lúa, chim cò, nhặt trái, trèo cây, chăn gà vịt chó mèo, nghịch đất đá que gậy tìm được trong vườn. Hãy cho bé được đi biển chơi cát, ngắm thuyền, nhảy sóng, nhặt sò ném sỏi. Hãy cho bé được đi picnic cắm trại trong rừng, tắm suối, nghe chim hót, quan sát cây cỏ và các con vật... Ba mẹ tranh thủ tối đa cơ hội cho bé gần gũi thiên nhiên trong điều kiện của mình chính là đầu tư hiệu quả nhất.
Nhưng nếu chúng ta không thể gần thiên nhiên được, thì đây là top 10 món đồ chơi trong nhà cơ bản nhất, đơn giản nhất của các bé nhà mình mà các ba mẹ có thể cân nhắc đầu tư cho các con, đảm bảo hiệu quả lâu dài, ít tạo rác và rất tiết kiệm. Trong đợt nghỉ dịch Covid-19 dài ngày, 10 món này chính là bảo bối của mình và là niềm vui bất tận cho các con.
Nước
Các trò chơi với nước có thể mang lại niềm vui và kích thích tối đa sự sáng tạo cho các bé. Dù chỉ là một chai nước đục lỗ, một cái ống, một cái ca, hay một hồ bơi bơm hơi với mức nước an toàn đều khiến các bé lưu luyến, ít khi nào tự nguyện dừng chơi.
Cát/gạo/hạt/bột mì
Một đống cát, chơi cả ngày là có thật! Các bé nhà mình (dưới 6 tuổi) có thể ở ngoài biển chơi cát 3 tiếng đồng hồ mà nếu không đói bụng thì sẽ còn tiếp tục chơi nữa.
Khi ở nhà, nếu có điều kiện, ba mẹ có thể mua cát động lực chơi được gần như vô thời hạn. Cát này dẻo gần bằng đất sét nhưng không dính tay, cảm giác giống như chơi cát ẩm và có độ dính. Còn không thì chúng ta có thể dùng cát xây dựng bình thường, ba mẹ nào kỹ thì đãi rửa sạch phơi khô rồi bỏ vào khay cho con chơi, còn không thì bé chơi cát bẩn xong rửa tay với xà phòng là ổn.
Thay thế cho cát, chỉ với 20.000đ trở lại để mua hoặc đi xin gạo cũ, đậu hạt, các loại bột, ba mẹ đã có thể tạo ra những món đồ chơi kích thích xúc giác và sự khéo léo của các con. Lót một tấm nilon hoặc cho bé ngồi trong chậu lớn hoặc hồ bơi bơm hơi sẽ giúp việc dọn dẹp sau khi bé chơi nhẹ nhàng hơn.
Bóng
Bóp bóng. Ôm bóng. Xoay bóng. Đẩy bóng lăn. Tâng bóng. Đá bóng. Chụp bóng. Chơi kiểu gì và ở tuổi nào cũng rất tuyệt. Nhưng phải chơi chung mới vui!
Giấy + bút màu + kéo
Bé có thể vẽ, tô màu với bút và giấy 1 mặt sử dụng lại từ tài liệu A4, tờ lịch, hoặc sang hơn là sách vẽ, sách tô màu. Sau đó, ba mẹ có thể cho bé dùng kéo cắt những tờ giấy này ngẫu nhiên và gọi tên các hình khối cùng bé.
Bé nhà mình từ 4 tuổi đã có thể ngồi vẽ hàng tiếng đồng hồ, và ngồi cắt 30 phút. Giấy cũng là nguyên liệu sáng tạo vô tận cho các bé gấp máy bay, chong chóng, cờ quạt, các con vật,…
Bảng + phấn màu/bút lông màu
Nhiều người lớn không muốn cho trẻ chơi phấn vì sợ bụi bẩn, nhưng với các bé, dùng phấn nhiều màu vẽ lên bảng, lên tường, lên mặt đường thực sự rất thú vị mà lại có thể lau chùi vẽ lại. Ba mẹ có thể cho bé đeo khẩu trang lúc chơi và rửa tay xà phòng sau khi chơi.
Tranh treo tường + sách
Ba mẹ thực sự phải “đầu tư” rất nhiều nhưng chắc chắn sẽ “lời đậm” với các món này. Tranh treo tường và sách sẽ giúp các bé nhỏ mau nhận biết và nghe nói tốt. Sách là nguồn kiến thức và kỹ năng vô tận cho con trên suốt đường đời nếu thói quen đọc sách được hình thành từ bé.
Cả 2 bé nhà mình mỗi tối trước khi đi ngủ đều được đọc tối thiểu 2 cuốn. Buổi trưa cuối tuần ở nhà, trước khi ngủ cũng sẽ được đọc 2 cuốn. Bé lớn 5 tuổi có thể đọc được... hình Doraemon một mình cả tiếng đồng hồ không chán, chờ ba mẹ rảnh rỗi đọc cho con 2 tập.
Lego
Không món đồ chơi hiện đại nào có thể vượt được lego về khả năng phát triển trí tưởng tượng về hình khối và sự khéo léo cho bàn tay của bé. Bé nhỏ thì chúng ta có thể mua loại khối lớn, bé lớn thì mua loại nhỏ. Tốt nhất nên mua loại tốt, gắn vào chắc chắn và không bị rít, lệch, thì các bé mới thoả thích tạo các hình khối mà không bị ức chế và cáu gắt.
Với nhà mình, Lego là món có "tổng thiệt hại" lớn nhất trong các loại đồ chơi, nhưng chơi bao nhiêu cũng không đủ. Ở nhà bạn có rất nhiều rồi nhưng chưa chán, tới siêu thị là bạn lại nhào vào chơi miễn phí rất lâu. Từ 4 tuổi, sinh nhật năm nào cũng chỉ có 1 mong muốn là Lego mà thôi.
Dây thừng + que gậy
Chắc ba mẹ cũng ngạc nhiên như mình khi các con chơi đi chơi lại mấy sợi dây và mấy cái que bằng 500 kiểu từ nhỏ tới lớn mà không thấy chán.
Lúc còn bé thì cứ kéo dây thừng đi khắp nhà để xem nó đi theo mình như con rắn. Lớn thì tập cột dây, rồi cột đồ chơi vào kéo đi, tưởng tượng là dắt thú cưng đi dạo. Lớn nữa thì tập nhảy dây, kết hợp với que làm thang dây, đu trèo các thể loại.
Bạn bé nào vừa đi lẫm chẫm cũng thích cầm que chạy, người lớn thì sợ đâm vào người nhưng các bạn thì cười toe toét. Rồi thì cầm que chọc vào các khe, lỗ (que và lỗ: thật là... phồn thực hihi), đánh lên đồ vật để tạo ra các âm thanh khác nhau, vẽ quẹt để xem hình nếu ở ngoài đất cát... Bạn lớn thì dùng que làm kiếm đóng giả ninja, cột thun uốn thành cung và mũi tên làm Thạch Sanh, cột dây làm cần câu, chống gậy giả ông bà già, khều đồ chơi rớt dưới gầm giường, và còn cả bất đắc dĩ "dâng" cho ba mẹ ... đánh đòn.
Ba mẹ nào siêng và khéo thì có thể tạo ra những món đồ chơi độc lạ từ que gậy, ống nước và dây cho các con, thậm chí còn có thể làm khung leo, giường tầng, bàn ghế cho các con nữa.
Lều của bé
Một chiếc lều di động hoặc 4 cái ghế 4 góc và một cái chăn, thế là các bé đã có thế giới riêng tuyệt vời.
Xe thăng bằng (bé dưới 3 tuổi) và xe đạp (bé trên 3 tuổi)
Một bé có thể được ông bà, ba mẹ mua cho đủ loại xe, nhưng với mình, cần nhất và các bé dùng nhiều nhất là xe thăng bằng và xe đạp. Dù đầu tư 2 chiếc xe tốt là khá tốn kém nhưng rất đáng tiền và sử dụng được lâu dài.
Nhà mình thiệt hại 1tr với xe thăng bằng hiệu StarRider made-in-Vietnam xài từ bé lớn sang bé nhỏ, và 3tr với xe đạp của Decathlon khi bé 3-4 tuổi có thể tập đi xe đạp.
Đồ chơi là vô vàn và trò chơi là vô hạn, trên đây là top 10 món đồ chơi đơn giản, chơi lâu không chán và là những món đầu tư hiệu quả cho ba mẹ. Các ba mẹ có nhiều thời gian và tâm huyết cho việc chơi của con có thể tham khảo cuốn sách Giờ chơi đến rồi của tác giả Dương Mai Trang - Vũ Thị Thu Hằng để thử thêm nhiều trò chơi sáng tạo và kích thích 8 loại trí thông minh khác nhau của trẻ.
Dù là bé chơi trò gì, cái gì, bí quyết để tăng hiệu quả khi bé chơi mà mình rút ra chính là:
- Ba mẹ ngồi chơi, trò chuyện cùng bé, gợi ý cách chơi và khuyến khích bé tạo ra cách chơi mới
- Mở nhạc phù hợp lúc bé chơi nếu ba mẹ không thể ngồi cùng bé
- Quan sát sở thích, thiên hướng trí thông minh của bé để đầu tư các món đồ chơi khác phù hợp.
Hi vọng top 10 món đồ chơi tốt nhất cho bé của mình trên đây hữu ích, tiếp thêm cảm hứng để ba mẹ có thể tự tạo hoặc đầu tư mua những món đồ chơi có hiệu quả cao, lâu dài, và phù hợp nhất với thiên hướng của các bé.