Tắc tia sữa
Tắc tia sữa là nỗi sợ lớn nhất của nhiều bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là đường tắt mà mình đã đi để vượt qua 2 con trăng, mẹ nào cần thì lượm bí kíp nhé.
Tắc tia sữa là nỗi sợ lớn nhất của nhiều bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là đường tắt mà mình đã đi để vượt qua. Trong đó, mình đặc biệt nhấn mạnh việc cho bé bú trực tiếp và mẹ đổi tư thế bú, làm sao để lưỡi và môi dưới của bé đặt ngay tia sữa bị tắc, là cách xử lý nhanh gọn lẹ và hiệu quả nhất.
Mình viết bài này hoàn toàn từ kinh nghiệm thực tế của bản thân và bạn bè, dù trên mạng có hàng triệu bài để tham khảo nhưng quá nhiều. Mẹ nào cần “xin 500 đồng” mẹo chữa thì thử xem đồ rẻ thế này có “xài” được không nhé!
2 nguyên nhân mà mẹ sữa bị tắc tia phổ biến nhất mình từng trải qua là:
- Tia sữa chưa thông khi mới vừa sinh bé
Trong vô vàn cảm xúc diễn ra những ngày đầu tiên khi đón con yêu về đội của mẹ, thì có niềm vui sữa về và sau đó là niềm… đau vì sữa về căng cả vú mà không ra được. Đặc biệt là với bé đầu tiên, bộ ngực sau gần 30 năm "phát huy tác dụng", cơ thể mẹ đã sản xuất sữa nhưng các đường ống rỉ sét lâu ngày chưa sử dụng nên tắc nghẽn. Bên cạnh đó, khi mới sinh bé, kể cả con thứ, cơ thể mẹ cũng chưa biết lượng sữa bé bú là bao nhiêu để điều tiết cho phù hợp, thôi cho hào phóng chút cho con bú thoải mái. Thế là... kẹt xe.
2. Lượng sữa trong bầu vú quá nhiều so với nhu cầu của bé/khả năng hút
Khi bé bú mẹ trực tiếp, có những ngày bé bú ít hơn bình thường, ví dụ như bé bị cảm cúm, mệt, đầy hơi, đau bụng... và cơ thể mẹ vẫn tiết sữa ra đều đặn như trước, nên bầu vú mẹ bị căng đau vì lượng sữa tích tụ quá nhiều.
Với những mẹ dùng máy hút sữa, lượng sữa hút bằng máy chỉ được khoảng 70-80% lượng sữa bé bú trực tiếp. Dù lượng sữa mẹ vắt ra ổn, đủ cho bé bú hoặc thậm chí dư, nhưng có một số tia sữa không thông hoặc ra ít sữa -> căng đau một số tia sữa nhất định trên bầu vú. Theo quan sát của mình, đó là do bé có vũ khí đặc biệt giúp bé bú hiệu quả ngoài lực mút, đó là cái lưỡi. Lưỡi bé làm điểm tựa nên bé mút mạnh hơn và tia sữa có cảm giác thông hơn so với khi vắt bằng máy.
Với mỗi nguyên nhân và tình huống, mình đã áp dụng cách xử lý khác nhau, và phòng bệnh hơn chữa bệnh các mẹ nhé. Mình liệt kê ra theo tuần tự thế này cho các mẹ sữa dễ hình dung theo trình tự thời gian:
- Mang thai từ tuần 37 trở đi: vệ sinh đầu ti thật kỹ
Nhiều mẹ thấy căng tức ngực, có sữa non, hoặc chất tiết dẻo dẻo trắng trắng chui ra đầu ti sớm. Bác sĩ của mình khuyên luôn vệ sinh đầu ti sạch sẽ bằng khăn màn (khăn sữa). Mình thì từ tuần 37 mới bắt đầu vệ sinh kỹ hơn, dùng khăn lau qua đầu ti, rồi dùng tay cầm đầu ti lên săm soi để moi ra hết những cặn đóng ở đầu ti, đồng thời dùng tay massage nhẹ nhàng bầu vú khi tắm. Việc này sẽ giúp đầu ra của tia sữa được thông thoáng, sạch sẽ khi bé ra đời. Bé sẽ dễ bú được sữa non và mẹ đỡ bị tắc tia hơn.
Mẹ nào muốn chuyển dạ sinh sớm từ lúc này để đỡ nặng nề và bé cũng không còn gọi là "sinh non", bác sĩ của mình cũng chỉ mình làm động tác dùng ngón cái và ngón trỏ đặt phía trên và dưới đầu ti ở mép vùng thâm quanh ti, rồi vừa ấn vừa bóp, giống như mẹ nào hay "nhéo" eo ông xã khi tăm tia gái đẹp trên đường ấy, hehe. Khi bóp đúng, mẹ sẽ có cảm giác hơi đau một chút, và tay bóp thì có cảm giác là trúng cái gì sật sật bên trong. Ngày làm 3-4 lần, mỗi lần khoảng 5-10 phút. Động tác này giống như mình giả làm bé bú, đây cũng là động tác vắt sữa mẹ bằng tay đó cả nhà.
Link tham khảo bằng tiếng Anh, có hình minh hoạ: https://www.wikihow.com/Do-Nipple-Stimulation-to-Induce-Labor
Mình bé đầu sinh mổ, bé thứ 2 muốn sinh thường mà tuần 39 rồi chưa thấy nhúc nhích gì nên cũng kích thích đầu ti cho mau có dấu hiệu. Khoảng 2 ngày sau là mình chuyển dạ, nhưng mà đau đẻ 1 ngày bé cũng ko xuống được do khung chậu hẹp nên lại mổ, hehe. Tuy nhiên, phải công nhận là cách này đơn giản mà hiệu nghiệm, WikiHow còn dặn các mẹ phải có điện thoại và người nhà kế bên để đi đẻ ngay cho kịp.
2. Những ngày đầu sau sinh: chuẩn bị máy hút sữa hoặc tìm hiểu cách vắt sữa bằng tay để dùng ngay khi cần
Cách vắt sữa bằng tay mình vừa nói ở trên. Đơn giản, tiết kiệm, nhưng mất thời gian và mẹ phải ngồi lâu. Sau sinh còn đau đớn đủ thứ, nên các mẹ cố gắng mượn tạm máy ai đó 1-2 tuần đầu, mẹ nào có điều kiện thì mua luôn máy hút tay, hút điện, 1 bên 2 bên gì cũng được.
Tuỳ cơ địa từng mẹ, sau khi sinh sữa sẽ về sớm hay muộn, nhưng chắc chắn là sẽ về. Với mình, sinh mổ 3-4 ngày sữa mới về, trong lúc chờ sữa mình cho con mút và vắt bằng máy 15-20ph dù chẳng được gì nhưng là để kích thích. Sau đó thì về ào ạt căng hết 2 bình mà con bú không hết nên phải vắt ra ngay sau mỗi lần con bú. Lúc sữa vừa về cũng là lúc hay bị tắc tia nhất nên cần nhất máy vắt sữa là lúc này.
3. Con bú mút là số 1
Mẹ tranh thủ cho bé bú mẹ trực tiếp, càng sớm càng tốt sau khi bé ra đời và duy trì càng lâu càng tốt. Với 2 bé nhà mình, máy hút sữa của mình chỉ dùng trong khoảng 1-2 tuần sau sinh khi cơ thể chưa điều tiết đúng lượng bé bú, và dùng sơ-cua tránh tắc sữa trong trường hợp bé bị ốm hay bú ít. Còn đâu, bé bú trực tiếp chính là cứu cánh cho tất cả mọi vấn đề, trong đó có tắc tia sữa.
Mình không thể diễn đạt hết được mọi khía cạnh tuyệt vời của việc cho con bú mẹ trực tiếp, đặc biệt là mối liên kết kỳ diệu giữa mẹ và bé, giống như thần giao cách cảm ấy, khi nào mẹ biết bé đói (căng sữa), khi nào mẹ biết bé buồn ngủ (đòi mẹ, thèm mút mát), khi con bị đau cũng chỉ cần mút mát ti mẹ là quên đau ngay. Mẹ bị tắc sữa mà cho bé bú trực tiếp sẽ thông nhanh gọn lẹ hơn nếu biết cách "tận dụng" lực hút mạnh mẽ của bé.
Có quá nhiều vấn đề với việc hút sữa cho bé, cực mẹ (ngồi vắt mất thời gian, mất ngủ, đau lưng, hấp rửa dụng cụ liên tục, rã đông hâm nóng) mà không tốt cho bé (sữa không tươi ngon, vấn đề vệ sinh, dưỡng chất trong sữa mẹ thay đổi từng ngày theo nhu cầu của bé nên để qua ngày khác - tháng khác uống thì có thể cơ thể bé không còn cần nữa).
Tự nhiên cũng đã sinh ra sữa mẹ kỳ diệu có oxytocin, giúp bé ngủ dễ dàng. Nhưng cũng lạ là bé bú mẹ trực tiếp dễ ngủ hơn bé bú mẹ vắt ra, có thể bên cạnh oxytocin còn có thêm da tiếp da đầy yêu thương khi mẹ ôm bé làm bé thấy yên tâm ngủ, đỡ cực mẹ khoản cho bé ngủ. Và với mình, khoản này là mệt nhất.
Nên các mẹ cố gắng cho bé bú trực tiếp nhé. Khi nào gần đi làm thì tập bú bình sau. Mẹ đi làm sớm có thể duy trì cho bé bú bình (sữa mẹ vắt ra) 1 lần/ngày để bé quen, nhưng đây có thể là con dao 2 lưỡi vì một số bé có xu hướng thích bú bình hơn -> mẹ quanh quẩn vắt sữa cả ngày -> mẹ mệt -> sớm cho con bú sữa công thức.
4. Tư thế cho con bú giải thoát cơn đau tắc ngay tức thì
Nếu khi mới sinh, mình thường bị căng nóng râm ran hết cả bầu vú do sữa về quá nhiều, thì trong những ngày tháng sau đó, mình thỉnh thoảng dễ bị tắc một số tia sữa nhất định khi con bị ốm sốt, con vẫn bú nhưng mút yếu, bú ít.
Quan trọng nhất lúc này là mẹ sờ nắn bầu vú của mình và xác định được tia nào bị cương cứng, đau nhức. Mình dùng tay day ấn từ trong bầu xem tia nào bị cứng và lần tìm ra dần phía đầu ti để biết bé bú chỗ nào ở đầu ti thì sẽ giải phóng được tia sữa bị tắc ấy.
Khi bé bú thì lưỡi của bé đóng vai trò quan trọng, làm điểm tựa để bé mút được mạnh hơn, do đó mình cảm nhận rõ là những tia sữa ở vị trí môi dưới của bé sẽ được hút nhiều hơn những tia khác. Vì vậy khi bị tắc tia sữa, mình tranh thủ khi bé đói, tiến hành chỉnh tư thế cho con bú để làm sao lưỡi và môi dưới của bé nằm đúng vị trí tia sữa bị tắc. Mẹ có thể cho bé nằm ngửa và mẹ xoay người chống tay chân xuống giường để đến đúng vị trí mong muốn. Hoặc mẹ nhờ người nhà bế bé để mẹ xoay nếu bé ko hợp tác.
Trông thì hơi kỳ dị, nhưng mình đảm bảo với các mẹ là nếu môi dưới của bé đặt đúng tia sữa đang bị căng tắc, thì bé mút phát nào là mẹ thấy nhẹ cả người phát đó luôn. Kỳ diệu lắm luôn ấy, lúc đó mình phải nói cảm ơn con thành tiếng.
5. Can thiệp từ bên ngoài giảm đau, giảm tiết sữa
Đây chính là những điều các mẹ tìm thấy trên Google và kinh nghiệm của người đi trước nhiều nhất. Nhưng với mình, những cách này đều là giải pháp tạm thời, hỗ trợ chứ không giải quyết được sự cấp bách của cơn đau tắc tia. Những cách đó mình gom chung lại là giảm đau tức thời và giảm tiết sữa.
- Massage bầu ngực và chườm ấm các thể loại
- Đắp lá bắp cải bỏ ngăn mát tủ lạnh lên toàn bộ bầu vú để giảm sưng đau
- Thức ăn giảm tiết sữa: bắp cải, trà lá đinh lăng phơi khô, lá mít, các loại lá dân gian gọi là “thông sữa” nhưng thực chất là giảm tiết sữa.
- Tham khảo (tiếng Anh) https://thelittlemilkbar.com/blog/2019/5/16/how-to-unclog-a-milk-duct-when-breastfeeding
Với những thức ăn, đồ uống, mình đặc biệt nhấn mạnh là không nên lạm dụng lâu dài. Lạm dụng có thể làm giảm sữa, tiêu sữa của con luôn. Ví dụ mình bị tắc tia lúc mới sinh bé đầu và bà ngoại cho mình uống nước lá đinh lăng phơi khô với tác dụng là "thông sữa", có vẻ cũng có tác dụng vì lúc đấy làm hết mọi cái để đỡ đau nên chẳng biết cái nào là tác dụng chính. Sau đó mình bị thiếu sữa và bà vẫn tiếp tục cho uống với công dụng tăng sữa, nhưng tới 2 tháng vẫn thiếu sữa. Cuối cùng mình bỏ uống linh tinh, bỏ bú bình, bỏ đong đếm bé bú được bao nhiêu, chỉ cho bé bú mẹ, mới đủ sữa cho con. Bé bú mới là giải pháp an toàn, triệt để - mẹ cứ quẳng gánh lo đi mà cho bú.
6. Đau không chịu nổi, sưng, sốt — đến bệnh viện ngay
Tới nước này thì hãy để những người có chuyên môn xử lý. Mình chỉ kể chuyện nghe chơi thôi.
Con bạn thân của mình, bình thường thì “màn hình phẳng” mà sinh đứa đầu mấy ngày đầu sữa về nhiều, 2 bầu vú căng to, nóng đỏ, tắc tia sữa phát sốt. Lúc đó mình đang ở Singapore và chưa có con nên bà ngoại bé sai gì giúp nấy chứ không biết làm gì hơn. Nào là chườm nóng, massage, bóp nặn tia sữa búa xua. Nó thì quằn quại đau đớn, máy hút không có tác dụng, bà ngoại thì hì hụi bóp và mình còn bóp phụ đến thâm tím cả bầu vú mà sữa chỉ ra được vài giọt. Đến bây giờ mình nghĩ lại vẫn thấy sợ quá, và thương nó quá vì lúc đấy mình chưa có kinh nghiệm như bây giờ, tiền khám bệnh bên đó lại đắt nên con bạn mình chịu đựng được gần 1 tuần thì đi bệnh viện. Hic. Bệnh viện KK nơi 80% dân Singapore được sinh ra chỉ massage cho bạn rồi nói về đắp lá bắp cải bỏ tủ lạnh giảm đau và cho con bú - vắt sữa.
Đến phiên mình, bình thường đã hơi bị nở nang, sinh mổ đứa đầu tới 4 ngày sau sữa mới về. Mà mình còn chả biết là sữa đã về cơ. Cô bạn đồng nghiệp cũ vào thăm (lúc này con bạn 5 tháng hơn) và hỏi mình có sữa chưa. Mình nói thấy đau tức ngực rồi mà cho con bú chẳng thấy nó bú được gì, mút mãi ko được nó cáu nên phải cho ti bình (sữa mẹ… người ta mình xin được). Thật vi diệu, người có kinh nghiệm có khác, bạn mình sờ sờ ấn ấn, và vắt những giọt sữa đầu tiên bằng tay ra cho mình thấy và phán: “Có sữa non rồi đây cậu này, cho bé bú nhiều vào, bé bú xong dùng máy vắt ra nhé". Và ngay sau đó là tắc tia. Cũng y như với bạn mình, chườm chiếc, uống đủ thứ nhưng đỡ hơn là mình còn đang nằm trong bệnh viện. Hộ sinh cũng phán, cho bé bú nhiều vào và vắt sữa.
Có bạn mình ngực khổng lồ, trước khi sinh bs đã phán là ngực này rất dễ bị tắc tia. Y như rằng, 1 tháng sau sinh liên tục bị tắc tia, nứt cổ gà, sốt, đau đớn đủ thứ trong khi mong muốn cho con bú sữa mẹ thì mãnh liệt vô bờ mà không thể thực hiện được. Thôi thì chấp nhận uống kháng sinh trị viêm tắc tia và mất sữa để còn lấy sức chăm con. Bạn nói trong bệnh viện nhiều mẹ bị áp xe, viêm tắc và có mủ trong tia sữa, phải luồn ống vào từng tia sữa hút mủ ra, không thuốc tê, và làm mỗi ngày. Hoặc phải rạch sống tia sữa hút mủ để cứu mẹ. Huhu. Đau đớn thể xác là vậy, nhưng tinh thần còn quan trọng hơn, vì mẹ nào cũng muốn cho con bú sữa mẹ và sẽ rất dằn vặt, đau khổ vì không làm được. Thương chị em mình.
Mình mong bài viết này có ích cho các mẹ sữa để đề phòng và trị tắc tia sữa một cách bài bản, đơn giản và hiệu quả.
Combo giá 500 đồng cho món tắc tia sữa này của mình là: cho con bú trực tiếp - vắt sữa thừa nếu bị căng tức - tư thế cho bú giải thoát tia sữa bị tắc.
Và nếu đã làm mọi cách mà vẫn không được, thì thôi mẹ hãy nhẹ nhàng nuôi con bằng sữa đi xin hoặc sữa công thức. Bé có thể sống bình thường mà không có sữa mẹ, nhưng không thể sống bình thường nếu thiếu mẹ. Sức khoẻ và tính mạng của mẹ là quan trọng nhất để nuôi con, chị em mình nhé!