Top 5 sách Nuôi dạy con thay đổi tư duy làm cha mẹ
Sau khi nuôi dạy 2 con theo cách khá hiện đại nhưng tôn trọng tối đa bản chất và sự phát triển tự nhiên của con, mình xin chia sẻ 5 cuốn sách Nuôi dạy con mình tâm đắc nhất và hiệu quả nhất với mình để các ba mẹ tham khảo.
Mình đọc kha khá sách nuôi dạy con với tư cách là một người mẹ trung bình muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Mình cảm thấy rất may mắn mình được bạn bè tặng và giới thiệu những cuốn sách tuyệt vời đó để đọc bên cạnh những hướng dẫn theo truyền thống của các bà, các mẹ, thế hệ đi trước. Tất nhiên, mình không áp dụng tất cả, mà học ở mỗi cuốn một chút, mỗi người một chút để thử áp dụng cho con mình.
Sau khi nuôi dạy 2 con theo cách khá hiện đại nhưng tôn trọng tối đa bản chất và sự phát triển tự nhiên của con, mình xin chia sẻ Top 5 cuốn sách Nuôi dạy con mình tâm đắc nhất và hiệu quả nhất với mình để các ba mẹ tham khảo. Mình sẽ nói rõ phần nào mình thấy hay và áp dụng được trong cuốn sách đó, và phần mình không thích lắm, vì sao. Ba mẹ nào quan tâm có thể tham khảo nhé!
Mình chia sẻ và thực sự hi vọng các ba mẹ đọc Top 5 cuốn sách Nuôi dạy con mình giới thiệu dưới đây, vì nó rất khác với cách tiếp cận truyền thống của chúng ta trong việc nuôi dạy con. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại ngày nay đã khác rất xa 30 năm trước khi cha mẹ chúng ta nuôi chúng ta lớn lên, việc nuôi dạy con đã có những bối cảnh khác - đặc biệt là dạy con - và chúng ta cần phương pháp hoặc ít nhất là một định hướng rõ ràng về việc chúng ta muốn con trở thành như thế nào qua những cuốn sách hiện đại phù hợp. Cha mẹ lười học "nghề làm cha mẹ" - yêu thương sai cách, thực sự là một cách hại con, đau đớn không thể cứu vãn.
Bách khoa Toàn thư Nuôi dạy trẻ (3 tâp) - Bác sĩ Nhi khoa Matsuda Michio (Nhật)
Đây là cuốn sách mình thích nhất dù là một trong những cuốn mình đọc muộn nhất, sau khi sinh bé thứ 2 và đã áp dụng đủ thứ học được từ sách khác cho bé đầu tiên.
Quả thật, không phải tự nhiên mà cuốn Bách khoa toàn thư nuôi dạy trẻ là bộ sách “gối đầu giường” của các cha mẹ Nhật suốt gần 50 năm qua, được tái bản nhiều lần với nội dung được bổ sung, cập nhật liên tục, bán được hơn 2 triệu bản ở nước Nhật và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Nội dung cuốn sách rất gần với văn hoá của Việt Nam và dễ tiếp cận hơn cho người Việt so với phong cách nuôi dạy con của Âu Mỹ. Sách chia mục lục thành những tình huống, vấn đề thường gặp, dễ dàng cho cha mẹ tra cứu những nội dung liên quan đến con mình và có thể bỏ qua những nội dung còn lại.
Bên cạnh đó, điểm mình thích nhất là những phương pháp và kinh nghiệm này đều dựa vào bản chất và sự phát triển tự nhiên của trẻ - do đó, bất kể là cuốn sách đã xuất bản 50 năm trước thì giá trị nội dung vẫn vô cùng phù hợp.
Khoa học có thể thay đổi, nghiên cứu này sẽ xuất hiện và phủ nhận những gì nghiên cứu trước đây đã khẳng định, nhưng tự nhiên là điều tồn tại mãi, chúng ta không thể không chấp nhận. Ví dụ như thay vì áp dụng cái gọi là chu kỳ ăn-chơi-ngủ EASY theo sách Nuôi con không phải là cuộc chiến tham khảo của nguồn sách Mỹ, thì bác sỹ này sẽ bảo mẹ quan sát con với các dấu hiệu để biết khi nào con tỉnh táo thì chơi, đói bụng thì cho ăn, buồn ngủ thì cho ngủ. Thay vì chăm chăm theo dõi Wonder Weeks (phát triển kỹ năng mới - thay đổi giai đoạn) thì chỉ cần tôn trọng bé, kiên nhẫn quan sát bé, nếu bé cau có khó chịu thì vẫn nên ôm ấp, vỗ về để bé cảm nhận được sự thông cảm và tình yêu thương của mẹ. Qua giai đoạn đó bé sẽ lại vui vẻ và phát triển thêm một bậc. Mình đã bỏ vụ đếm tuần của con từ đó.
Quan điểm của bác sĩ là mỗi trẻ mỗi khác, các mốc phát triển khác nhau, nhu cầu khác nhau, năng lực khác nhau... nên cha mẹ cần quan sát và hiểu con để giúp con lớn lên tự nhiên nhất, khoẻ mạnh nhất, tự tin nhất và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình - chứ không phải của ai khác.
Cuốn sách rất thành công trong việc động viên bậc cha mẹ tự tin vào bản năng và quan sát của mình, với tình yêu thương không ai có thể sánh bằng dành cho con. Mình đã trở nên tự tin hơn và không quá cứng nhắc tin tưởng vào những "phương pháp" của người khác, cuốn sách, internet... để nuôi dạy con mình.
Giọng viết khá gần gũi, tự nhiên như tâm sự chứ không "học thuật" như những cuốn khác, thỉnh thoảng có những so sánh ẩn dụ hết sức buồn cười, đáng yêu. Ví dụ:
Điều mình không thích là chất lượng đóng sách. Mình đọc không quá nhiều lần nhưng gáy sách dán keo không tốt nên các trang sách tự động rớt ra. Và sách hiện tại đã ngừng xuất bản nên rất khó mua.
Để con được ốm - Bác sĩ Trí Đoàn và Uyên Bùi (Việt Nam)
Cuốn sách này nói về việc chăm sóc sức khoẻ cho bé theo dạng bách khoa tra cứu, đa số là dành cho trẻ sơ sinh, không liên quan nhiều đến sự phát triển về trí tuệ hay tính cách của bé.
Tuy nhiên, mình đánh giá cuốn sách rất cao vì nó khuyến khích cha mẹ bình tĩnh và xử lý đúng đắn trước những áp lực về sự phát triển thể chất của con cũng như khi con ốm. Nội dung những lời khuyên tôn trọng di truyền, bản chất và tốc độ phát triển tự nhiên của từng trẻ.
Đây cũng là một cuốn sách do người Việt viết giữa rừng sách dịch từ nước ngoài. Bên cạnh cuốn này, cũng có một cuốn của Bác sỹ Trần Thị Huyên Thảo mang tên Chào con, ba mẹ đã sẵn sàng! Mình đánh giá cuốn này dài hơn và không "đột phá" bằng cuốn Để con được ốm, nhưng cũng rất đáng hoan nghênh và đáng đọc!
Điểm mình không thích là phần tâm sự của bà mẹ, khá dài dòng. Mình thường bỏ qua, đi thẳng đến cách xử lý vấn đề khi con ốm - vì mình coi cuốn sách này như một cuốn Bách khoa để tra cứu hơn là tìm sự đồng cảm của những người mẹ.
Kỷ luật tích cực với tình yêu và giới hạn - Jerry Wyckoff, Barbara C. Unell
Đây là cuốn sách đề cập về tâm lý, hành vi và sự hình thành tính cách của trẻ. Cuốn này thích hợp cho ba mẹ có con từ 18 tháng trở lên, tuy nhiên, cha mẹ có con nhỏ có thể tham khảo trước để có những bước đệm hình thành kỷ luật tích cực cho con từ sớm.
Gia đình với người Châu Á quan trọng hơn Âu, Mỹ - con cái và thế hệ sau rất quan trọng với cuộc sống của cha mẹ. Vì vậy, dù cha mẹ nào cũng yêu thương con, người Việt thường nuông chiều con và dành những gì tốt đẹp nhất cho con, còn để bù đắp lại cho cuộc sống thiếu thốn của chính mình trước đây, vô tình hình thành những hành vi xấu, trở thành tính cách xấu, và vận mệnh xấu cho con sau này. Mình gặp rất nhiều hành vi này ở các bé xung quanh mình, bắt nạt, ăn vạ, chửi thề, lề mề, ỷ lại,... Hay còn gọi là TRẺ KHÔNG NGOAN.
Cuốn sách Kỷ luật tích cực này thực sự rất cần thiết để định hướng cho cha mẹ Việt về cách dạy con có phần tỉnh táo, thực tế nhưng hiệu quả của người Âu Mỹ. Đó là cách xây dựng mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái dựa trên:
- Tình yêu thương là vô bờ bến
- Đạo đức thì phải vào khuôn khổ, hành vi phải có giới hạn
Mình thích nhất chính là sự tích cực của cuốn sách. Dù các con vào khuôn khổ nhưng là cách tích cực, tôn trọng TÍNH CÁCH BẨM SINH TỰ NHIÊN của con, không đánh đập, la mắng, bắt khuôn vào một mẫu y chang như nhau theo cách của Châu Á. Mình chưa đọc cuốn "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" của tác giả Trung Quốc chắc vì mình không thích cái tựa đề, hehe, nếu đổi là "kỷ luật" thì còn ok.
Các con vui vẻ chấp nhận không khóc lóc, cha mẹ vui vẻ thấy con hình thành hành vi tốt. Cả nhà đều vui! Chỉ cần ba mẹ khéo léo học từ sách này.
Điều mình không thích là dịch giả Mẹ Ong Bông dịch quá sát bản tiếng Anh, không thoát ý, vài chỗ ngôn ngữ cực kỳ học thuật và khó hiểu với người bình thường. Thỉnh thoảng đọc câu tiếng Việt mà mình đọc được luôn cả câu tiếng Anh tác giả viết. Mình cũng không mong đợi Mẹ ấy dịch được như Lý Lan trong Harry Potter, nhưng thực sự là quá khó hiểu. Hi vọng nếu có tái bản thì sách sẽ được biên tập lại phần dịch này tốt hơn!
Nuôi con không phải là Cuộc chiến - Hachun Lyonet, Bubu Hương, Mẹ Ong Bông
Đây là cuốn sách đầu tiên mình đọc khi có bé đầu tiên và ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy nuôi dạy con của mình, giống như là "Từ ấy" của Tố Hữu vậy á. À, thì ra nuôi dạy con theo khoa học và để giảm mệt mỏi cho cha mẹ lẫn con là như thế này. Mình nghĩ các mẹ nên tham khảo cuốn này để biết các trường phái chăm sóc bé sơ sinh đang thịnh hành, và hình thành nhận thức về việc nuôi con theo khoa học, để xây dựng tư duy phản biện là nó khác với nuôi con truyền thống xa đến thế nào. :)
Cuốn sách chú trọng đến trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Phần mình đánh giá cao là phần về lịch sinh hoạt của con và cho con ăn dặm. Tác giả tóm tắt và hệ thống lại những phương pháp phổ biến nhất của các tác giả nổi tiếng quốc tế, luận điểm chính của từng phương pháp, lựa chọn và kết hợp các phương pháp cho bé như thế nào...
Tuy nhiên, cuốn sách này cũng đã làm mình khá căng thẳng khi nuôi con vì mình áp dụng hơi máy móc, canh giờ, canh số lượng... thay vì quan sát và đọc tín hiệu của con. Mình cố gắng luyện ăn luyện ngủ cho con nhưng không đành lòng vì bé khóc rất dữ dội (chứ không phải là không thành công!). Mình chắc chắn rất nhiều mẹ đang vùng vẫy trong ma trận nuôi con khoa học theo cuốn sách này.
Do đó, mình review cuốn này cuối cùng, vì mình thấy khá áp lực và hoang mang khi đọc nó, dường như nó dành cho những bà mẹ có trái tim sắt và cái đầu tỉnh phát sợ của Phương Tây - mình không có khả năng này.
Từ khi có bé thứ 2, mình đã tự tin cho con bú mẹ trực tiếp 100%, nhẹ nhàng đọc tín hiệu của con tốt, cho con bú, cho con ngủ đúng nhu cầu của con. Ăn dặm cũng linh hoạt hơn dựa vào sở thích của con. Đúng với tinh thần của cuốn sách Bách khoa Toàn thư nuôi dạy trẻ mà mình thích nhất trên đây. Bé thứ 2 nhà mình, may mắn thay, cực kỳ vui vẻ, dễ chịu, khoẻ mạnh, và tiến bộ vượt bậc so với anh nó, mẹ nó thì tự tin phơi phới làm cái blog này. :D
Một điều khác mình không thích là cách sắp xếp nội dung của sách khá lộn xộn, có thể do 3 tác giả cùng viết nên format của từng chương không thống nhất. Phần phương pháp lẫn lộn với phần Q&A (Hỏi đáp), khó tra cứu.
Nuôi dạy con để có một đứa trẻ trí tuệ, hạnh phúc - Thầy Trong Suốt
Đây là một bài nói chuyện về việc dạy con, không phải là sách, nhưng mình thật sự rất tâm đắc. Mình không theo đạo Phật, nhưng tin tưởng vào trí tuệ của Phật pháp vì mình liên hệ và xác nhận được với chính bản thân mình. Đây giống như là định hướng dạy con nói chung cho cha mẹ, không đi vào phương pháp hay vấn đề cụ thể.
Nguồn bài nói chuyện: https://trongsuot.com/nuoi-day-con-theo-tinh-than-phat-phap-de-co-mot-dua-tre-tri-tue-phan-1/#4
Theo bài nói chuyện, bản thân cha mẹ và con cái đều có trí tuệ của Phật pháp để có được hạnh phúc trong cuộc sống, đó chính là giúp trẻ biết được: Nhân quả, vô thường, bất toại nguyện.
Quan sát, trải nghiệm từ những người xung quanh, và "triết lý hoá" từ những cuốn sách self-help như "Quẳng gánh lo đi và vui sống", "Phi lý trí", "Cuộc cách mạng một cọng rơm"..., mình thấy những triết lý trong bài nói chuyện này là khá khoa học và tổng quát. Năng lực và bản chất mỗi đứa trẻ là bẩm sinh, cách các con phản ứng với mọi điều trong cuộc sống là điều chúng ta có thể giúp con kiểm soát và quyết định.
Chúng ta cố gắng hết sức để sống tử tế hơn, tinh tấn hơn, thành công hơn (nhân quả), nhưng nếu không gặp may mắn (vô thường), mọi việc không xảy ra như ý muốn (bất toại nguyện) thì cũng không lấy làm đau khổ. Hạnh phúc hay không cũng chính là do chúng ta tự cảm nhận, biết chấp nhận, vượt qua, và vui với những gì chúng ta đang có mỗi ngày.
"Cẩn thận nhân quả là một phần rất quan trọng của hạnh phúc. Có nhiều người không muốn làm điều xấu, nhưng ý thức của họ không được rõ ràng nên đôi khi họ vẫn làm điều xấu, nhưng nếu cẩn thận rất sớm thì khả năng gây điều xấu giảm hẳn đi. Luật nhân quả là khi ít gây điều xấu cho người khác thì người khác ít gây điều xấu cho mình, đời mình nó bình an hơn, đó là một phần của hạnh phúc."
"Mọi thứ luôn biến đổi, không bao giờ đứng yên cả. Hôm nay có ngày mai mất, hôm nay được khen ngày mai bị chê đó là bình thường. Người nào chấp nhận được vô thường thì đời họ hạnh phúc."
“Bản chất cuộc đời là bất toại nguyện, bố mẹ cũng bất toại nguyện, ai cũng bất toại nguyện cả!”. Bố mẹ cũng bất toại nguyện, vì bản chất cuộc đời là bất toại nguyện, thì lớn lên nếu nó bị cả cơ quan hiểu lầm, thì tối thiểu nó không tự tử, vì nó thấy thế là bình thường.
"Trí tuệ là gì? Là hiểu bản chất cuộc đời này không thể lúc nào cũng theo ý mình được. Trí khôn là gì? Làm những điều để cho cuộc đời theo ý mình, thành công trong cuộc sống, nhưng trí tuệ còn hơn cả trí khôn. Vừa biết cách thành công nhưng vừa chấp nhận được thất bại, thì phải dạy cho nó cả hai, thế mới đúng. Nếu mình dạy cho nó một thứ thì thiếu sót."
Những điều này, trước khi chúng ta giúp con suy nghĩ và hành động được như thế, thì bản thân chúng ta cũng phải "giác ngộ" và làm gương cho con! Quả thật không dễ. Nhưng ai cũng mưu cầu hạnh phúc, vì mình, vì con, chúng ta sẽ làm được.
Hi vọng review của mình trên đây có ích với mọi người!