Hăm

Các bé sơ sinh tè ị thường xuyên và làn da các con còn quá mỏng manh, nhạy cảm nên rất dễ bị hăm, khóc hoặc bứt rứt khó chịu mà người chăm sóc nhiều khi không phát hiện ra nguyên nhân, rất tội cho các con. Nếu người chăm sóc để bé mặc tã bẩn quá lâu thì hăm là tất nhiên, nhưng sạch quá cũng hăm đấy các mẹ. Vì sao lại thế?

Hăm là do vi khuẩn hoạt động trên làn da con nớt của bé, gây ngứa ngáy, đỏ, đau rát và khó chịu cho bé. Vi khuẩn cần NƯỚC/dịch để sống và sinh sản, do đó, nếu chúng ta luôn giữ cho da của bé KHÔ thì sẽ hạn chế tối đa việc bé bị HĂM.

Bẩn và ướt thì hăm mình không nói rồi. Nhưng sạch sẽ quá, rửa nước cho bé liên tục mỗi khi bé tè ị mà không dùng bông/khăn giấy/khăn xô lau KHÔ hoặc hong KHÔ để lấy đi phần nước còn thừa trên da sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn, khiến bé dễ bị hăm. Đây cũng là một trong những cách xử lý sai lầm khiến tình trạng hăm của bé không cải thiện.

Đây là kinh nghiệm và lời khuyên 500 đồng của mẹ Thiện An để các con trải qua thời sơ sinh không bị hăm:

  1. Phòng ngừa hăm bằng cách giữ cho da của bé luôn khô:
  • Tắm xong lau khô da cho bé bằng khăn tắm xô, đặc biệt là dùng phần khăn khô hoàn toàn (tránh dùng khăn ẩm) thấm những chỗ kẽ ngấn như cổ, nách, lỗ hậu môn, bộ phận sinh dục, háng, đùi, lè, khuỷu tay, bắp tay... Nếu trời nóng ấm có thể hong khô cho bé một chút rồi hẵng mặc quần áo và tã.
  • Sau khi bé đi tè, có thể lau khô bằng khăn giấy khô/khăn xô mà không cần rửa nước, đặc biệt là khi trời lạnh. Bé có thể hôi một chút, nhưng chắc chắn sẽ không bị rít và hăm khi được lau KHÔ hoàn toàn.
  • Sau khi bé đi ị, mình dùng bông gòn (dạng viên/miếng hoặc mua cả kg bông về cắt sẵn miếng nhỏ vừa dùng) thấm vào ca nước ấm nhỏ để rửa đít nhẹ nhàng cho bé. Sau khi đã sạch, mình dùng tiếp khăn giấy khô để thấm nhẹ nhàng.
  • Hạn chế dùng khăn giấy ướt vì có thể có hoá chất và làm da bị ẩm ướt. Nếu dùng khăn giấy ướt, phải lau lại cho bé bằng khăn giấy khô.
  • Dùng bông gòn thấm khô cũng rất tốt vì bông mềm hơn các loại khăn, nhưng mình không thích dùng vì khi da ướt, sợi bông sẽ dính vào da. Cũng chẳng sao nhưng nhìn không thẩm mỹ lắm và mình sợ bé bị ngứa. Nên mình thích dùng khăn giấy khô hoặc khăn xô mềm.

2. Trị hăm bằng kem/dầu

Nếu đã bị hăm, sau khi lau khô da bé thì dùng kem chống hăm có bán ngoài nhà thuốc hoặc các tinh dầu (không nóng) như dầu dừa, dầu ô liu, baby oil... để tạo một lớp dầu trên da -> ngăn nước bẩn bám lại trên da -> vi khuẩn không sống được -> chống hăm.

Thường thì mình dùng kem khoảng 1-3 ngày là hết hăm đỏ. Quan trọng nhất vẫn là giữ cho da bé luôn khô thì sẽ nhanh hết.

Thật dễ dàng để phòng ngừa và trị hăm tã phải không các bạn? Chỉ cần KHÔ, và tình yêu.

Chăm chồng và chăm con khác nhau ở chỗ KHÔ và ƯỚT này đó các mẹ!

**Tác giả: cười gian tà***