Đánh răng cho bé
Rất nhiều mẹ, cũng như mình, hơi bối rối và thắc mắc đủ thứ về việc đánh răng cho bé, như khi nào thì bắt đầu đánh răng, đánh răng cho bé bằng cái gì, đánh răng cho bé như thế nào... Xin chia sẻ bí kíp đánh răng 2 bước của Cô Tiên Răng!
Rất nhiều mẹ, cũng như mình, hơi bối rối và thắc mắc đủ thứ về việc đánh răng cho bé, như khi nào thì bắt đầu đánh răng, đánh răng cho bé bằng cái gì, đánh răng cho bé như thế nào... Dù là răng sữa sẽ thay khi bé lớn hơn, nhưng rất nhiều bé bị sâu răng, đau răng, nụ cười kém xinh không lung linh sống ảo được vì ba mẹ, ông bà, cô giúp việc chưa biết cách chăm sóc răng miệng cho bé.
Mình xin chia sẻ bí kíp đánh răng cho bé có 1 không 2 của Nha sĩ Lê Thị Thuỷ Tiên với con trai của cổ, và mình cũng kiên trì áp dụng với 2 đứa con nhà mình. May quá, chưa đứa nào bị sâu răng cả, cả con mẹ chúng nó cũng chưa luôn :D. Mời các mẹ tham khảo nhé!
- Khi nào nên đánh răng cho bé?
Ngay khi có răng. Tất nhiên rồi. Sâu răng không đợi tuổi các mẹ ạ.
Trước đó, thỉnh thoảng khi thấy bé rêu lưỡi (bé nhà mình bú mẹ hoàn toàn, ăn dặm rau quả từ 4 tháng), mình cũng dùng gạc rơ lưỡi dạng xỏ vào ngón tay thấm nước muối sinh lý để chà sơ nướu (lợi) và lưỡi của bé. Sau khi bé có răng và chưa ăn đồ ngọt thì ngày nào trước khi đi ngủ giấc tối mình cũng đánh răng cho bé giống như thế. Bé nhỏ nhà mình hoàn toàn không ăn uống đồ ngọt trước 1 tuổi.
Nếu mẹ nào cho con ăn ngọt, uống sữa có đường, nêm nếm đường vào đồ ăn dặm, thì mình nghĩ là cần đánh răng cho bé trong vòng 20 phút sau khi ăn như người lớn hoặc ít nhất là trước khi đi ngủ buổi tối. Lý do là vào buổi tối, miệng không tiết ra nước bọt, vốn có chất diệt khuẩn, nên vi khuẩn hoạt động tự do. Ăn 1 cái kẹo vào buổi tối thì tốc độ sâu răng sẽ bằng ăn 10 cái kẹo vào ban ngày là thế.
Các bé hay bú sữa đêm có hàm răng rất... chán. Nên các mẹ cố gắng tập cho con cai sữa đêm càng sớm càng tốt, đừng lo con đói ban đêm vì ngoài sâu răng còn có nhiều hệ luỵ khác. Bé lớn nhà mình được bà ngoại cho ăn sô cô la đắng vào buổi sáng và chủ quan ko đánh răng, sau vài ngày thì mình mới phát hiện răng cửa trên của bé bị mẻ 1 miếng dù lúc đó bé mới chỉ có 2 răng trên và 2 răng dưới. Răng của các bé lúc này còn yếu nên ăn đồ ngọt rất dễ bị sâu, mẻ. Các mẹ và người nhà chăm sóc bé nên tránh cho bé ăn ngọt vì nhiều lý do, trong đó có sâu răng và dễ bị ốm bệnh.
2. Đánh răng cho bé như thế nào?
Nha sĩ Thuỷ Tiên - mình hay gọi đùa là Cô Tiên Răng, cô bạn khéo tay học Chuyên Anh - Phổ thông Năng khiếu TPHCM mà đậu đại học Á khoa Nha ĐH Y dược làm bao nhiêu đứa "rớt hàm" ngưỡng mộ, có chia sẻ bí kíp đánh răng cho bé gồm 2 bước:
- Đánh răng
- Chà răng để mặt răng bóng -> thức ăn khó bám vào mặt răng gây sâu răng
2.1. ĐÁNH RĂNG CHO BÉ:
2.1.1. Dụng cụ đánh răng cho bé
Cô Tiên Răng khuyến khích chúng ta giới thiệu bàn chải mềm nhỏ cho bé càng sớm càng tốt sau khi bé có răng và khi bé bắt đầu biết phun ra theo hướng dẫn của ba mẹ, thường là khoảng 18 tháng, thì có thể cho bé dùng kem đánh răng không có hoặc ít flouride loại dành cho em bé, có thể nuốt được.
Cha mẹ có điều kiện thì có thể mua kem đánh răng hữu cơ nhập khẩu Pháp/Mỹ/Hàn cho con có bán trên các trang thương mại điện tử như Tiki/Lazada/Shopee giá từ 120k trở lên, còn không ngoài siêu thị có bán kem Komodo nuốt được dành cho bé giá 30k, có chứa ít flo (flouride) giúp răng trắng và chắc. Bé nhà mình dùng loại này từ nhỏ tới giờ thấy ok, giá rẻ, dễ tìm, nhiều vị trái cây tuỳ sở thích của bé.
Lưu ý là nếu bé dùng kem đánh răng nhiều flo như của người lớn thì khi bé nuốt kem sẽ tích tụ trong cơ thể, sau này răng vĩnh viễn của bé mọc lên có thể sẽ bị xỉn màu. Mình có từng tham khảo thông tin này ở website của các cơ quan y tế các nước Mỹ Úc nhưng mình không có thời gian tìm lại nguồn. Các mẹ có thể kiểm chứng lại và chọn kem ít flo cho các con nhé!
2.1.2. Cách đánh răng cho bé
Chải kỹ tất cả các mặt răng, đặc biệt là mặt nhai của răng hàm.
Đánh bàn chải hướng lên xuống với mặt trong và mặt ngoài của răng để kéo thức ăn thừa ra khỏi kẽ răng.
Đánh bàn chải xéo 1 góc 45 độ ở phía chân răng và đánh lên phần nướu (lợi) để lấy sạch thức ăn và mảng bám vùng này, tránh viêm nướu, nha chu.
Đánh nhẹ mặt lưỡi và vòm miệng. Súc miệng là xong.
2.2. CHÀ BÓNG MẶT RĂNG
Theo cô Tiên Răng thì đây là "bí kíp" không phải ai cũng biết để có một hàm răng khoẻ mạnh và xinh đẹp cho cả người lớn và trẻ em. Như mình nói ở trên, chà răng để mặt răng bóng thì thức ăn sẽ khó bám vào mặt răng và giảm đáng kể tình trạng hư và ăn mòn răng, đặc biệt là với các bé nhỏ vì chúng ta rất khó đánh răng kỹ lưỡng bằng bàn chải cho các bé liên tục ngọ nguậy.
Với bé nhỏ ít răng, mẹ có thể dùng gạc rơ lưỡi thấm nước muối sinh lý hoặc nước ấm để chà các mặt răng. Với bé lớn hơn, cô Tiên Răng gợi ý mẹ dùng khăn bông hoặc khăn màn thấm nước ấm chà kỹ qua các mặt răng và chân răng của bé.
Mình đã áp dụng thử bí kíp của cô Tiên Răng. Mình quan sát kỹ răng con và thấy dù mình đánh răng cho bé nhưng trên mặt răng của bé vẫn hơi lợn cợn loang lổ. Sau khi chà răng thì thấy rõ những vệt vàng trên khăn bông, chứng tỏ mặt răng của bé vẫn còn bị bẩn sau khi đánh răng xong mà bàn chải không thể lấy đi hết và mắt thường không nhìn thấy được. Nếu dùng đúng 1 chiếc khăn để chà răng cho bé thì khoảng 2 tuần sau là mình muốn vứt cái khăn đi rồi vì trông nó rất bẩn, giặt máy và giặt tay bằng xà bông cũng không đi hết, chứng tỏ độ "bám lì", "bám dai" của mấy bạn này còn hơn son môi lì matte của chị em luôn ấy.
Cảm nhận của mình là bước đánh răng giúp lấy thức ăn ra khỏi KẼ RĂNG và CHÂN RĂNG rất tốt còn bước này thì lấy chất bẩn mịn ra khỏi MẶT RĂNG hiệu quả hơn đánh răng rất nhiều. Nếu chỉ đánh răng mà không chà răng thì... giống như mình dùng chổi chà (chổi xương) để quét thềm gạch bông vậy, uổng cả nửa đời.
Làm xong bước này thì các mẹ yên tâm là răng con đã "sạch bong kin kít".
3. Mình dụ bé đánh răng như thế nào?
Ngay khi bé có răng, trước khi đi ngủ giấc tối, mình cho bé lên cái ghế nhún và vừa giỡn với bé vừa xỏ tay vào gạc rơ lưỡi thấm nước muối. Mình giả bộ làm con sâu màu trắng nhúc nhích cho bé xem rồi bé tự cầm tay đưa vào miệng nếm thử, cắn thử. Mình tranh thủ chà và kéo dài sự thích thú của bé... cho đến khi bé chán.
Khi bé đã biết phản kháng, mẹ mìn vừa ôm (giữ tay và đầu bé) vừa đánh răng và vừa giải thích với con là đánh răng là việc ai cũng phải làm, để không bị con sâu nó đục đau răng, để cười thật tươi thật xinh blah blah blah trong tiếng gào thét của bé, haha. Khi ba mẹ đánh răng (của ba mẹ) thì cố tình cho bé thấy và nói với bé là ai cũng phải đánh răng cả để bé biết là mình cũng không ngoại lệ.
Khoảng vài tuần, vài tháng (lâu mau tuỳ cá tính của bé), bé sẽ không phản kháng nữa mà ngậm ngùi chấp nhận. Ba mẹ để bé chơi tiếp trò đang chơi, đưa đồ chơi mới hoặc sách cho bé đọc trong lúc đánh chà răng là ok, miệng có thể lẩm bẩm: Đời không như là mơ con ạ, có những cái không thích cũng phải làm thôi!! Ahihi.
Khi bé khoảng 4 tuổi hơn (tuỳ vào khả năng tiếp thu và hợp tác của bé), mình khuyến khích, hướng dẫn và xem bé tự đánh răng. Mình đánh lại cho bé những chỗ chưa yên tâm và chà răng cho bé. Đến 5-6 tuổi thì bé có thể tự đánh răng, chà răng được, cũng như tắm rửa và các công việc vệ sinh cá nhân khác.
Hi vọng 500đ chia sẻ của mình các mẹ thấy hợp lý. Còn đừng hỏi mình địa chỉ phòng răng của Cô Tiên Răng, vì mình cũng hỏi mà cổ không chịu nói nên mình hông có xin cổ được 500đ tiền PR nào hết trơn á. Haizzz.