Ăn dặm tự nhiên

Nuôi dạy con 📅 11/04/2020

Đây là trường phái ăn dặm... tá lả, bằng cách quan sát bé và cho bé thử gần như tất cả những gì bé muốn thử từ mềm tới cứng, cứ như khi chúng ta còn sống cùng thiên nhiên rất lâu trước đây.

Khi nào bắt đầu ăn dặm?

Khi bé bắt đầu hứng thú và bắt đầu hình thành phản xạ với đồ ăn, biểu hiện dễ thấy nhất là:

  • Chảy nước dãi nhiều
  • Nhìn người lớn ăn chằm chằm
  • Quẫy, đạp, khua tay chân khi thấy hoặc ngửi thấy mùi thơm của thức ăn
Và con mơ thấy, thấy ăn thịt gà.... Và rồi lại thấy ăn cả rau, những món ăn ngon...

Thường với 2 con mình là khoảng 4-5 tháng. Bởi vậy nên kinh nghiệm của các bà các mẹ xưa kia là bắt đầu cho trẻ ăn dặm bột vào 4 tháng và có chúng ta ngày nay, vẫn khoẻ mạnh bình thường. :) Thời đó, các mẹ chỉ được nghỉ sinh 2 tháng rưỡi và không có sữa công thức, nên cũng dễ hiểu là các bà các mẹ mong con/cháu ăn được càng sớm càng tốt.

Theo khoa học và sách vở gần đây, trong đó có cuốn gối đầu giường của các bà mẹ thế hệ Millennials: Nuôi con không phải là cuộc chiến, người ta khuyên nên cho trẻ ăn từ 6 tháng trở đi. Mình vốn là một người... mọt sách và đọc không ít hơn 7 cuốn nuôi con dưới 1 tuổi khác nhau. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm từ bé đầu tiên và quan sát xung quanh, mình rút ra được việc quan sát bé chính là cách tốt nhất để áp dụng hầu như tất cả mọi thứ cho con, không chỉ mỗi ăn dặm.

Kinh nghiệm bản thân là:

  • Bé đầu bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng, ăn bốc (bé chỉ huy - baby lead weaning) => Kết quả: Bé không thích ăn rau, trái, thịt (dai cứng - dù đã hấp mềm), chỉ thích ăn cá, cua, trứng, cơm (mềm). Và bé cũng không thích ăn cháo hay cơm nát => Nói chung là bé được chọn từ 6 tháng nên bé chỉ ăn những món bé thích, ko có món nào ăn "được" là bé nhịn luôn => Mẹ/bà có xu hướng làm những món bé thích vì tâm lý sợ cháu đói (tâm lý khó tránh khỏi) => khẩu vị của bé không đa dạng
  • Anh chị mình ở Pháp có con nhỏ hơn bé nhà mình 9 tháng. Bác sĩ khuyên từ 4 tháng nên cho ăn rau trái CÀNG NHIỀU LOẠI CÀNG TỐT với lượng rất nhỏ mỗi ngày. Đồ ăn nước ngoài đa số cũng rất mềm nên dễ ăn hơn ăn bốc đồ ăn Việt Nam. Anh chị áp dụng và bạn nhỏ ăn rất tốt, đa dạng, vui thích. Bạn vẫn có giai đoạn biếng ăn như các bạn nhỏ khác, khi học kỹ năng mới, bắt đầu mê chơi hơn ăn, ko có nhu cầu ăn uống nhiều, nhưng nói chung là khi bạn đói, hầu hết cái gì bạn cũng ăn được.
  • Bé thứ 2, mình bắt đầu cho ăn dặm 4 tháng và kết quả tương tự như anh chị mình. Mình rất mừng vì đã vượt qua nỗi... "mọt" để sớm giới thiệu cho con các vị khi con bắt đầu có biểu hiện muốn thử ăn.

Vì là "mọt", tiện thể mình giới thiệu luôn cuốn sách nuôi dạy con đã giúp mình nghiệm ra nhiều điều chí lí từ khi có bé thứ 2. Đó là cuốn "Bách Khoa Toàn thư nuôi dạy trẻ" của Bs Matsuda Michio vì bs chú trọng đến việc phải quan sát biểu hiện của trẻ, mỗi trẻ mỗi khác, và tôn trọng sự tự nhiên.

Sau khi nuôi đứa đầu và stressed bởi các kiểu luyện ăn, tập ngủ, đứa thứ 2 mình đọc tín hiệu của con tốt hơn và nhẹ nhàng hơn khi chỉ cần đáp ứng nhu cầu tự nhiên của con.

Bắt đầu ăn dặm (khoảng 4-6 tháng)

Từ 4 tháng, đa số các bé đều chảy dãi và biết "nhìn mồm" người lớn ăn. Đến 6 tháng, các bé mới có thể ngồi vững và tay đủ khéo léo để chụp, nắm đồ vật có chủ đích. Tất nhiên mỗi bé mỗi khác.

4-5 tháng - bé đã biết dùng tay để chụp nắm đồ vật

Trong giai đoạn từ khoảng 4-6 tháng, mình cho bé mình thử ăn dặm với các nguyên tắc sau:

  • Chỉ ăn rau củ quả: dễ tiêu hoá, ít dị ứng, tự nhiên
  • Càng nhiều loại càng tốt: để bé nếm được nhiều vị và quen với nhiều vị sau này, nhất là vị đắng, mùi hăng của rau khiến rất nhiều bé không chịu ăn rau... đến hết đời.
  • Lỏng (nước cam, nước ép trái cây, ép rau củ...), đặc, nạo hoặc xay nhuyễn (vì bé chưa thể ngồi thẳng nên không cho bé ăn thô)
  • Số lượng thức ăn từ rất ít (bằng hạt đậu, đầu muỗng) xem bé có bị dị ứng không. Đến ít (2-3 muỗng em bé/muỗng ăn bánh ngọt bé xíu) cho đến khi bé bắt đầu biết tự dừng lại (phun, dùng lưỡi đẩy thức ăn ra, quay đầu, khóc, không nuốt, oẹ, đơ đơ nhìn xa xăm không thèm đếm xỉa đến đồ ăn...)
  • Số lượng bữa ăn không quá 2 bữa/ngày vì thời gian này bé chỉ tập cho quen vị đồ ăn đa dạng, không quan trọng ăn bao nhiêu, sữa mới là nguồn dinh dưỡng chính của bé
  • Bé tập trung 100% vào thức ăn và việc ăn, KHÔNG ĐỒ CHƠI, ĐIỆN THOẠI, TIVI, CA HÁT NHẢY MÚA KHUA CHIÊNG GÕ TRỐNG... - nguyên tắc này mình áp dụng cho mọi lứa tuổi, từ đứa lớn tới đứa nhỏ, đến đứa ba đứa mẹ, và kể cả ông bà. Có thể trò chuyện trong lúc ăn mà thôi.
  • Và tất nhiên: nguồn rau củ quả tươi sạch nhất có thể, thuần chủng (không biến đổi gene như các loại không hạt...), rau trái theo mùa chứ đừng trái mùa (vì có nhiều chất kích thích mới có rau quả trái vụ)...
  • Và tất nhiên nữa: tiệt trùng dụng cụ ăn uống của bé. Thực ra chỉ cần 1 chiếc muỗng silicon/inox nhỏ và chén sứ/nhựa an toàn nhỏ kèm yếm và khăn thôi.

Ăn dặm chính thức (từ 6 tháng)

Tới lúc này thì các mẹ có thể trở lại với những cuốn sách yêu thích của mình về việc ăn dặm. Có 3 trường phái chính để các mẹ lựa chọn:

Ăn dặm truyền thống: ăn đút từ bột ngọt -> bột mặn -> cháo loãng đủ rau thịt cá -> cháo đặc -> cơm nát -> cơm hạt

Hay: Tâm lý thoải mái, không bị dòm ngó, nói ra nói vào; giai đoạn đầu khá khoẻ cho mẹ vì chuẩn bị đơn giản.

Khó: Bé ăn thô rất chậm và chán ăn (ngày nào cũng cháo, dù thành phần có khác nhau nhưng hình thức và kết cấu thì không đổi) nên dễ sa lầy vào ma trận: ĐI RÔNG - TIVI - IPAD - ĐIỆN THOẠI. Thời gian nấu cháo kéo dài đến 18 tháng-2-3 tuổi, rất mất công, trong khi các bé ăn kiểu Nhật và BLW đã có thể ăn như người lớn từ 1 tuổi.

Ăn dặm kiểu Nhật: ăn đút rau củ quả xay loãng -> đặc -> súp cháo tổng hợp rau thịt cá nghiền qua rây (1-2 tháng)-> cà thô, cháo đặc -> hấp mềm, cơm nát -> ăn bốc thô như ăn dặm bé chỉ huy

Hay: Tâm lý thoải mái hơn vì bé sẽ làm quen từ loãng đến đặc đến thô, mẹ không có những cơn hoảng loạn khi bé có thể bị hóc như BLW và bé cũng sớm ăn thô được.

Khó: Thời gian đầu rất vất vả cho mẹ vì chuẩn bị khá công phu. Các món ăn gợi ý và gia vị cũng khá xa lạ với người Việt và khá đắt đỏ.

Ăn dặm bé chỉ huy (BLW) kiểu Tây: ăn bốc thô rau củ quả và tinh bột hấp mềm (1 tháng) -> ăn bốc kèm đạm, mì/nui/cơm nắm từ sau 1 tháng -> xúc muỗng ăn thô như người lớn

Bắt đầu ăn dặm BLW, bé bốc rau củ quả khi ngồi vững tầm 6 tháng

Hay: Bé ăn thô từ sớm nên mẹ sớm rảnh rang hơn trong việc cơm nước cho con, tự do đi chơi, du lịch vì cho cái gì con cũng có thể ăn được, con vui thích ăn vì được tự chọn thức ăn phù hợp khẩu vị.

Khó: Nguy cơ hóc cao, phù hợp hơn với món Âu mềm - một số món Việt phổ biến hơi dai/cứng nên người chuẩn bị phải tìm cách làm món Việt mềm hơn cho bé. Tâm lý mệt mỏi vì người lớn và người ngoài chưa quen với cách cho bé ăn thô sớm.

Lựa chọn nào cũng có cái hay và cái khó. Các mẹ cân nhắc nhé! Còn mình, mình đã tự giải thoát bản thân khỏi sách vở và quan sát con để áp dụng ăn dặm tự nhiên.

Ăn dặm tự nhiên - thử-sai và theo dõi sở thích tự nhiên của bé

Với mình, bé đầu BLW được 1 tháng thì áp lực từ ông bà + mình đi làm nên từ tháng sau là bé quay lại ăn truyền thống và chỉ ăn BLW chơi chơi cùng cả nhà. Bé ăn uống rất chán về số lượng và kén ăn. Tới giờ 5 tuổi bé vẫn rất "kén cá chọn canh", nghĩa đen thùi lùi.

Chợ Hội An: Ăn thì lười nhưng vẽ thì rất siêng

Với bé thứ 2, mình kết hợp tá lả, đổi món liên tục cho bé. Cháo, súp, bún, mì, nui, phở là những món mềm bé có thể xử lý từ những ngày đầu tiên. Bên cạnh đó, mình cũng vẫn cho con những món ăn bốc hấp mềm như BLW để xem con thích gì và có thể xử lý được những gì.

Có thể nói, mình cho con thử tất cả những gì mà mọi người xung quanh đang ăn (nhưng nấu nhạt khi bé dưới 1 tuổi). Nếu thức ăn đó bé có vẻ thích ăn nhưng cứng/dai bé không xử lý được, mình sẽ tìm cách làm cho bé ăn được dễ dàng hơn, ví dụ như không ăn được mực cắt nhỏ thì mình sẽ làm chả mực viên cho bé.

Mình cho bé ăn rau củ quả từ tháng thứ 4 nên bé quen vị, xử lý rau rất tốt từ khi chưa có răng. Chỉ cần mềm đủ thì bé sẽ tự bốc ăn. Rau nào dai thì mình xay/bằm nhuyễn hoặc bằm thô tuỳ tiến triển của bé. Rau có vị đắng bé không thích ăn bằng những rau củ có vị ngọt như su su, đậu que, hành tây, cà chua bi..., nhưng bé vẫn chịu thử và ăn rau cải ngọt, rau mùng tơi nấu canh chứ không cự tuyệt hoàn toàn màu xanh trong bữa ăn như bé lớn.

Bé ăn cháo (mẹ đút) xong mẹ cho ăn bốc thêm để mẹ có thời gian ăn

Mỗi bé một khác, vì cơ địa hoặc tạng của các bé khác nhau, nên nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bé sẽ khác nhau. Mẹ có thể quan sát bé và quan sát chính mình - chồng mình - ông bà 2 bên để thấy bé có cơ địa giống ai, nhu cầu dinh dưỡng, sở thích của người đó như thế nào thì bé có thể cũng sẽ cần và thích giống như vậy.

Bé lớn nhà mình thích uống sữa (sữa mẹ hoàn toàn + sữa tươi tiệt trùng không đường từ 1 tuổi - chứ không thích sữa công thức) dù bú mẹ đến 22 tháng, thích ăn cá, cự tuyệt hải sản cua ghẹ tôm mực, thích canh rau có vị ngọt như canh chua, canh rau củ hầm, đậu que, bông cải và ghét rau lá. Bạn có cơ địa giống mẹ, nhóm máu O, nhanh nhẹn.

Bé nhỏ thì hoàn toàn khác, bé cự tuyệt sữa các loại, bú mẹ hoàn toàn đến nay là 17 tháng, thích ăn thịt và hải sản nhưng không thích ăn cá, rau ăn tốt đa số các loại và đặc biệt thích màu đỏ (cà chua, dưa hấu, nho, dâu,..). Bạn có cơ địa giống ba, nhóm máu A, chậm chắc, mắt ba cận từ nhỏ nên chắc bạn này cũng thiếu vitamin A nên thích các món màu đỏ.

Quan trọng nhất vẫn là mẹ giới thiệu nhiều món cho con, quan sát xem con thích ăn gì, và cân bằng cho con giữa việc thích và đủ chất ở mức con có thể hợp tác.

Con thích ăn dâu tằm, nhưng con còn thích bóp chèm nhẹp hơn. Mẹ cứ từ từ dọn nhé!

Mẹ mà căng thẳng khiến cho việc ăn của con trở thành ác mộng. Nên cứ tàn tàn mình ăn gì cho con thử nấy, đa dạng và mất thêm xíu công sức nhưng con không ăn cũng đừng nổi nóng với gương mặt ngây thơ và tính cách quyết liệt của bé. Dù sao đây cũng chỉ là ăn dặm để cho bé làm quen với thức ăn và có niềm vui thích ăn uống sau này thôi mà!

Và để bé được cự tuyệt, được đòi ăn, được lựa chọn trong ăn uống, sẽ còn là tiền đề của sự tự tin trong tính cách sau này của bé nữa đấy. Bé nào bị ép ăn, bị la, bị đánh sẽ quen với việc đè nén cảm xúc và không thực sự tự tin, không biết lắng nghe và thể hiện cảm xúc của bản thân về sau.

Vài chia sẻ của mẹ 2 con từ kinh nghiệm bản thân. Các mẹ bỉm cứ thử cho con mình và chia sẻ thêm với chủ thớt nếu có phát hiện nào lý thú về việc ăn uống của các con nhé! Mỗi bé thực sự mỗi khác, và chỉ có tình yêu & lý trí của mẹ mới mang lại hạnh phúc ăn uống trên đường đời cho con. Các mẹ cố lên!!!

Chuyên mục

Đang tải bình luận...