5 cách hạn chế trẻ sử dụng thiết bị điện tử điện thoại, Tivi, máy tính bảng
Phải nói việc cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều là “tệ nạn toàn cầu”, làm dị dạng sự phát triển tự nhiên và toàn diện của trẻ em. Mình thực sự rất thương cảm cho các con mỗi khi bước vào quán ăn, quán cafe ở khắp nơi trên thế giới và thấy 90% các con đang ngồi trước màn hình. Con bạn có “nghiện” không? Mình viết bài này để chia sẻ 5 bí kíp để cứu vớt các con trước nạn lạm dụng công nghệ hiện nay, thậm chí đơn giản tiết kiệm và phát xít nhất là không mua thiết bị điện tử, hehe.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi nên hoàn toàn không tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử, và trẻ từ 2-4 tuổi thì chỉ tiếp xúc tối đa 1 tiếng/ngày để đảm bảo sức khoẻ và sự phát triển bình thường của trẻ. (Nguồn: https://www.nytimes.com/2019/04/24/health/screen-time-kids.html)
Quan trọng nhất chính là việc ba mẹ nhận thức được việc cho bé dưới 5 tuổi ngồi trước màn hình hơn 1 tiếng/ngày chính là "hại đời" con. Ba mẹ không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà quyết tâm "chống nghiện", "cai nghiện" cho con thì không có gì là khó cả.
Nhiều ba mẹ để ý và khen ngợi các bé nhà mình không nghiện Tivi, điện thoại, máy tính bảng như các bé khác. Quả thật con mình ít khi đòi chơi hay xem các thiết bị này, chỉ khi nào ba mẹ gợi ý, cho phép thì các con mới sử dụng mà thôi. Ngay cả những lúc rất chán mà nhiều ba mẹ “kìm lòng không đặng” quẳng cho con cái điện thoại cho rảnh nợ như khi hẹn hò cafe nói chuyện với bạn bè hay lúc bé biếng ăn.
Trước khi bé 3 tuổi, ngoài việc mở nhạc ra, mình ít cho bé tiếp xúc với công nghệ, kể các phim ngắn, bài hát trên Youtube hay quảng cáo trên Tivi. Mình dành toàn bộ thời gian thức của bé để chơi, đọc sách - đọc thơ - hát hò, trò chuyện, ra ngoài, cho bé giao tiếp với nhiều người và môi trường xung quanh. Do đó các bé nhà mình biết nói từ rất sớm và nói thạo vào khoảng 2 tuổi. So với các bé tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử (giao tiếp thụ động) thì thực sự là có sự khác biệt rất lớn.
Khi bé chạm mốc 3 tuổi, ngược lại, gia đình mình lại cho bé xem phim hoạt hình dài có nội dung và chơi một số trò chơi có lợi cho sự phát triển của bé - nhưng chỉ vào dịp cuối tuần hoặc khi bé chịu bắt đầu hình thành một thói quen tốt như một phần thưởng tinh thần bất ngờ. Bé thích thú được sử dụng các thiết bị điện tử, nhưng không nghiện, không có thói quen sử dụng mỗi ngày hay khoảng thời gian cố định nào.
Sau đây là 5 bí kíp kết hợp của nhà mình, các ba mẹ mong muốn hạn chế việc trẻ sử dụng thiết bị điện tử có thể tham khảo và áp dụng với bé nhà mình nhé!
1. Ba mẹ hạn chế sử dụng thiết bị điện tử
"Action speaks louder than words - Hành động thắng lời nói" là công thức vĩnh cửu để dạy con. Muốn con thế nào thì ba mẹ phải thế ấy trước đã: ít nhất là trước mặt con.
Thực tế là các con chỉ gắn bó với ba mẹ 2-3 tiếng mỗi ngày trước/sau khi đi làm, và chỉ 10 năm đầu đời mà thôi, nhưng lại quan trọng lắm với cả cuộc đời phía trước của các con. Ba mẹ hãy quẳng thiết bị đi và tập trung vào con, chỉ mình con mà thôi. Ba mẹ cùng con vui lớn lên với toàn bộ sự chú ý và tình yêu thương, không hề xao lãng khi có thời gian ít ỏi ở bên con mỗi ngày.
Cũng như những hi sinh khác khi chúng ta trở thành cha mẹ, hi sinh niềm vui sử dụng công nghệ trước mặt con cũng đau khổ đấy, nhưng rất xứng đáng. Sau khi con đi học, đi chơi hoặc ngủ thì chúng ta có thể "xoã" nè!
"Khắc nghiệt" hơn, nhà mình không mua hay dùng Tivi/máy tính bảng trong một thời gian dài từ khi có con. Mãi đến khi bé lớn hơn 5 tuổi và bé nhỏ hơn 1 tuổi cùng đợt nghỉ dịch Covid kéo dài vào đầu năm 2020, nhà mình cuối cùng cũng "kìm lòng không đặng" mà mua Tivi. Thực sự là biện pháp giả nghèo giả khổ có mục đích này cực kỳ công hiệu các bạn ạ.
Muốn giảm béo thì không để đồ ăn trong nhà.
Muốn tu hành thì lên núi sống.
Muốn không tiêu tiền thì đừng mang tiền theo.
Muốn con không nhìn màn hình thì đừng trưng ra cái nào trước mắt con cả!
2. Bày những trò chơi khác để bé bận rộn
Thế giới có bao điều để khám phá ngoài các thiết bị điện tử. Thiên nhiên và con người là nguồn sáng tạo và kiến thức vô hạn cho các con.
Ba mẹ hãy dành thời gian bày những trò chơi "không ảo", mắt thấy, tai nghe, tay sờ, phát triển đủ các giác quan và 8 loại trí thông minh khác nhau cho con mình. Mình có gợi ý 10 loại đồ chơi tốt nhất cho trẻ tại đây, hoặc lận lưng cuốn "Giờ chơi đến rồi", các ba mẹ tham khảo và thử nhé!
Các bé nhà mình có thể yên ổn, vui vẻ chơi cả tuần trời mà không cần đến thiết bị nào. Mình là một "con mẹ" chậm chạp, cũng chả siêng năng gì lắm, vì yêu con mình làm được, thì các ba mẹ hoàn toàn có thể làm được!!!
Mất công sức, mất thời gian, nhưng các con hoàn toàn xứng đáng được hưởng!
Mình xin lỗi nếu nói thẳng - nói thật - nói sốc, là, các con sinh ra để được yêu thương, chứ không phải là cục nợ, ba mẹ muốn rảnh rang vui chơi thì đừng sinh con làm gì! <*xách dép chạy trước không là ăn liếc, ăn tát, ăn dép*>
3. Không tạo “lịch” sử dụng thường xuyên
Muốn không nghiện, thì không có "cữ". Ba mẹ không nên tạo một thời gian cố định mỗi ngày cho con sử dụng, tránh tạo thói quen và mong chờ cho các con. Mức độ thường xuyên có thể gây nghiện là 2 ngày/lần. Nếu ba mẹ muốn các con không nghiện, có thể cho các con sử dụng tối đa 2-3 lần/tuần.
Tất nhiên, trước mỗi lần sử dụng, ba mẹ nói với con về thời gian được phép sử dụng tuỳ độ tuổi như khuyến cáo của WHO: dưới 1 tuổi hoàn toàn không sử dụng, 2-4 tuổi tối đa 1 tiếng/ngày. Trước khi hết thời gian sử dụng 5 phút, ba mẹ tạm thời dừng thiết bị và bắt con nhìn vào mặt mình khi mình và xác nhận đã hiểu thông báo sắp hết giờ chơi. Đến hết thời gian thoả thuận, ba mẹ dừng thiết bị và NHẤT ĐỊNH không được mềm lòng khi con khóc lóc mè nheo đòi chơi tiếp.
Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương.
Đòi được lần này, có lần sau. Được đằng chân, lân đằng đầu. Được voi đòi Hai Bà Trưng. Âu cũng là "kỹ năng đặc biệt" của loài người chúng ta, hehe.
4. Được sử dụng là phần thưởng đặc biệt cho bé
Được sử dụng thiết bị là phần thưởng khi bé đặc biệt ngoan, bắt đầu tạo một thói quen tốt mới,... chính là 1 mũi tên trúng 2 đích: hạn chế thời gian dùng thiết bị và khuyến khích con tiến bộ.
Ba mẹ khéo léo thương lượng với con, và luôn giữ lời hứa cùng giới hạn, là thành công.
Ví dụ, bé nhà mình trước 3 tuổi từng sợ đi ị, bị táo bón thường xuyên do tâm lý sợ đau, tạo thành một vòng luẩn quẩn táo bón - ị đau - sợ ị - càng táo bón. Khi bé khoảng 3 tuổi và bắt đầu hiểu điều kiện cũng như ba mẹ nắm được bé thích gì, mình liền áp dụng để tạo thói quen đi cầu đúng giờ cho con với điều kiện ngày càng khó, cho tới khi bé hình thành thói quen thì chấm dứt.
Ban đầu, mình thương lượng với bé nếu cách ngày bé chịu ngồi đi ị, thì sẽ được xem 1 tập phim hoạt hình Đội bay Siêu đẳng - SuperWings mà bé thích vì qua hàng xóm chơi được xem ké. Ban đầu bé không đi được, mình phải bơm thụt hậu môn cho bé, và bé vẫn được "phần thưởng" của mình. Sau 2 tuần, mình nâng điều kiện lên là con phải tự ị mà không cần thụt thì mới được thưởng. Thỉnh thoảng vẫn phải thụt chứ, nhưng bữa nào thụt thì dù bé khóc lóc năn nỉ, mẹ cũng không "ban thưởng", cho ngươi lui!
Sau đó nữa là con phải tự lấy bô bỏ lên bồn cầu, lấy ghế gác chân, lấy quạt mới được xem phim. Vậy là sau khoảng 1 tháng rưỡi, bé hoàn toàn tự đi ị, đúng lịch và tự giác hoàn toàn. Mẹ bắt đầu cắt phần thưởng cho việc ị. Chuyển phần thưởng sang thói quen mới, bữa nào đi ị thì được mẹ đánh răng, bữa nào không đi ị thì tự đánh răng...
Đã bảo rồi mà, mẹ cũng là con người với kỹ năng đặc biệt: được đằng chân, lân đằng đầu. Con cứ từ từ mà học nhé! Hehe.
5. Chọn trường Mầm non hoặc thống nhất với người chăm sóc hạn chế sử dụng thiết bị cho con
4 cách trên là chúng ta chủ động khi ở cùng con, nhưng với các bạn bé phải đi trẻ sớm hoặc được ông bà, người giúp việc trông, thì ba mẹ cần thể hiện rõ quan điểm và thuyết phục để nhà trường hoặc người chăm sóc con hợp tác: tất cả vì sự phát triển tốt nhất của trẻ!
Nếu các ba mẹ quan sát tìm hiểu, những trường Mầm non quốc tế, song ngữ, Glenn Doman - Montessori - Stein - Roggio Emelia xịn sò đa số không có Tivi trong lớp học, cùng lắm có 1 cái ở thư viện chung. Hồi bé, thời chúng ta đi học, trong lớp cũng chẳng có tivi.
Khi chọn trường cho các con, ba mẹ nên để ý trang thiết bị trong lớp học của con. Nếu có tivi, ba mẹ hỏi và trao đổi với người phụ trách về thời lượng và nội dung các con được xem, cân nhắc xem có phù hợp với độ tuổi của con hay không. Nếu người phụ trách không biết về khuyến cáo của WHO trên đây, bạn hãy giúp họ nhận thức vấn đề này và giúp các con có được môi trường tốt hơn.
Nếu các trường không có tivi - có nhiều hoạt động phát triển toàn diện có hơi đắt đỏ một chút, nếu có thể cố được, ba mẹ có thể ưu tiên cho giai đoạn bé dưới 3 tuổi vì giai đoạn này thực sự quan trọng.
Nếu gửi bé cho ông bà hoặc người giúp việc, bên cạnh thuyết phục việc trẻ xem màn hình là hoàn toàn không tốt, ba mẹ nên tạo ra một thời khoá biểu gợi ý hoạt động gì, vào giờ nào hằng ngày cho bé, chuẩn bị dụng cụ đầy đủ, để ông bà, người giúp việc thực hiện theo. Dán khẩu hiệu thật to trên tivi hoặc tủ lạnh về giới hạn thời gian xem màn hình của bé để nhắc nhở thường xuyên.
Hi vọng 5 bí kíp hạn chế bé sử dụng thiết bị điện tử, Tivi, máy tính bảng, điện thoại trên đây của mình giúp các ba mẹ thêm cảm hứng để nghiêm túc, tàn nhẫn hơn với con trong vấn đề này để có kết quả mỹ mãn.
Bé nhà mình không nghiện, các bé khác cũng sẽ không nghiện/cai nghiện nếu ba mẹ quyết tâm sắt đá (và phát xít) như vợ chồng mình, chỉ sau 2 tháng thực hiện.
Ba mẹ nào có thắc mắc hoặc tình huống khó xử lý, comment hoặc pm cho mình để mình tiếp thêm vài chiêu nhé!